Lắp điện mặt trời sẽ được trả tiền điện ra sao?

  • Lắp điện mặt trời sẽ được trả tiền điện ra sao? - Ảnh 1.

Nhà báo Trần Xuân Toàn – Ủy viên Ban biên tập báo Tuổi Trẻ tặng hoa các khách mời tham gia tọa đàm, giao lưu trực tuyến sáng 10-5 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hiện nay người dân lắp đặt điện mặt trời áp mái ngoài có thêm nguồn điện để dùng, điện dư có thể bán lại cho ngành điện. Theo thông tư 05 của Bộ Công thương, giá ngành điện mua lại điện mặt trời từ người dân trong năm 2019 là 2.134 đồng/kWh.

Nhằm giúp người dân có thông tin đầy đủ hơn về điện mặt trời, từ 9-11h30 ngày 10-5, Tuổi Trẻ tổ chức buổi tọa đàm – giao lưu trực tuyến chủ đề “Điện mặt trời– Ích nước lợi nhà”.

Trong khuôn khổ chương trình, chuyên gia đã giải đáp các thắc mắc liên quan đến chính sách, thủ tục lắp đặt điện mặt trời, thủ tục mua bán điện khi hòa lưới…

Đồng thời, chương trình cũng tư vấn các giải pháp về kỹ thuật, giải pháp hỗ trợ tài chính cho khách hàng khi đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái trên mái nhà hộ gia đình, trung tâm thương mại, cao ốc…

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), Công ty cổ phần đầu tư Điện Xanh và Công ty cổ phần Năng lượng điện mặt trời Việt Nam (SPUC).

Các khách mời tham gia có:

– Ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC);

– Ông Trần Khiêm Tuấn – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM;

– Ông Trịnh Quang Dũng – chuyên gia điện mặt trời, nguyên trưởng phòng phát triển Công nghệ điện mặt trời – Viện Vật lý TP.HCM;

– Ông Thái Huy Đức – Giám đốc Công ty CP đầu tư Điện Xanh;

– Ông Phạm Việt Anh – đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam;

– Ông Lê Phương Bình – Phó phụ trách Phòng quản lý năng lượng Sở công thương TP.HCM;

– Ông Huỳnh Đình Hiệp – Giám đốc đầu tư Công ty cổ phần năng lượng điện mặt trời Việt Nam (SPUC);

– Ông Nguyễn Văn Công – phó giám đốc Sở Công thương Tiền Giang;

– Ông Trần Viết Nguyên – Phó Trưởng Ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam;

– Ông Nguyễn Đắc Thọ – chủ hộ gia đình đầu tư điện mặt trời.

Xin chào ông Nguyễn Đắc Thọ, khi lắp lắp điện năng lượng mặt trời, thì nhà có bị hút nắng làm nóng hầm không ạ? có ảnh hưởng về mặt sức khỏe con người hay không? chẳng hạn về bệnh tiềm ẩn: về da, về ung thư…. khi lắp điện năng lương mặt trời thì có đủ tích điện để sinh hoạt trong bao lâu, ngày mưa thì sao? nếu tích dư điện thi sao có nguy hiểm làm phát nổ hay cháy không? chi phí lắp điện năng lượng mặt trời bao nhiêu? có cần phải bảo trì thường xuyên trong bao lâu?
Ông Nguyễn Đắc Thọ – chủ hộ gia đình đầu tư điện mặt trời:
     Chào Bạn! Một số thông tin tôi đã trả lời ở trên

Việc lắp đặt hệ thống điện MT chỉ làm cho nhà ban mát hơn chứ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe đâu. Hệt thống điện MT áp mái loại hòa lưới trực tiếp nên không cần accu tích điện, khi có điện lưới hệ thống mới hoạt động, mình đầu tư công suất càng lớn số điện dư bán cho điện lực càng nhiều sẽ bù lại số tiền điện mình sử dụng ban đêm. Hệ thống hầu như không cần bảo trì, vài tháng mùa khô xịt rửa hệt thống pin MT cho sạch là được.

 

Võ Tấn Bon: 3 tháng trước
Xin cho biết tôi ở Bình Thuận thì tôi có thể liên hệ các đơn vị nào để lắp đặt, nếu lắp đặt xong, có phát lên lưới, tôi có được thanh toán lại tiền như TP.HCM không?. Giá thành lắp đặt điện mặt trời áp mái khoảng 100m2 khoản báo nhiêu? Điện lực Bình Thuận có lắp công tơ hai chiều để đo đếm điện khi tôi hòa lưới hay không, hay tôi phải mua thiết bị này, xin cảm ơn ông.
Ông Nguyễn Văn Lý – Tổng công ty Điện lực Miền Nam:
Chào Anh Bon

Chính phủ khuyến khích phát triển NLMT thông qua Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017;Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017; QĐ 02/2019/QĐ-TTg ngày 08/01/2019; Thông tư 05/2019/TT-BCT ngày 11/3/2019 có hiệu lực kể từ ngày 25/4/2019 áp dụng cho toàn quốc.

Với trách nhiệm tại khu vực phía Nam, chúng tôi đã triển khai cho toàn bộ các tỉnh trong khu vực, đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà, ngành điện sẽ kiểm tra hòa lưới; lắp điện kế 2 chiều (miễn phí) và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời để thanh toán phần điện dư phát ngược lên lưới.

Hiện nay có rất nhiều nhà cung cấp, anh có thể chọn nhà cung cấp phù hợp để họ thực hiện lắp đặt và sử dụng; giá cả lắp đặt tùy thuộc loại thiết bị, quy mô và đặc điểm công nghệ (dao động trong khoảng phổ biến 17-21 triệu 1 kWp).

Khu vực BìnhThuận rất thuận lợi cho việc khai thác NLMT, Nếu nhà anh có diện tích khoảng 100m2 thì đầu tư được khoảng 10-12kwp, mỗi ngày sẽ sản xuất khoảng 40kwh điện năng, tùy theo mức độ sử dụng lượng điện thừa sẽ phát ra lưới và chúng tôi sẽ mua lại với giá được quy định hiện hành là 2.134đ/kwh (nếu ký hợp đồng mua điện trước 30/6/2019).

   

Nguyen Duong: 3 tháng trước

Xin hỏi chủ hộ gia đình đầu tư điện mặt trời: theo ông, gia đình tôi kinh doanh, trung bình mỗi ngày sử dụng khoảng 40kWh điện thì chúng tôi nên lắp mô hình nào? liệu có thể đáp ứng đủ nguồn điện cho gia đình tôi được hay không và chi phí lắp đặt khoảng bao nhiêu? Cảm ơn ông.
Ông Nguyễn Đắc Thọ – chủ hộ gia đình đầu tư điện mặt trời:
Chào Bạn

Nếu bạn là hộ kinh doanh việc đầu tư hệ thống điện MT áp mái rất hiệu quả, thời gian hoàn vốn nhanh vì bạn sẽ được giảm khoảng chi phí tiền điện với giá cao, nếu có mặt bằng trên mái bạn đầu tư công suất càng lớn sẽ càng giảm được nhiều tiền điện.

Mỗi KWp pin MT sẽ tạo ra 130Kwh điện/tháng và cần 6m2 mặt bằng và chi phí khoảng 20tr theo các thông số đó bạn sẽ tính được mức đầu tư cần thiết của mình.

 Đào Văn Nam: 3 tháng trước

Nhà tôi đang dùng điện lưới 3 pha thì khi lắp điện NLMT nối lưới có thể lắp công-tơ hai chiều 1 pha được không? Tiền bán điện được thanh toán cho người dân từng tháng hay mỗi năm 1 lần?
Ông Nguyễn Văn Lý – Tổng công ty Điện lực Miền Nam:
Chào Anh Nam,

Nếu nhà anh đã có sử dụng điện lưới 3 pha thì việc thay thế công tơ 2 chiều (1 pha lẫn 3 pha) để thực hiện mua bán điện MT là trách nhiệm của ngành điện, với hệ thống NLMT dưới 3kwp thì việc đấu nối vào 1 pha thông qua thiết bị inverter 1 pha vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật;

Theo Thông tư 05/2019/TT-BCT ngày 11/3/2019 có hiệu lực kể từ ngày 25/4/2019, việc thanh toán được thực hiện hàng tháng.

Cảm ơn Anh

 

Nguyễn Khải hoàn: 3 tháng trước
Ví dụ điện áp mái của tôi sản xuất được 300kwh,/tháng gia đình tôi chỉ xài 200kwh/ tháng. Cách thanh toán tiền giữa tôi và điện lực thế nào?
Ông Nguyễn Văn Lý – Tổng công ty Điện lực Miền Nam:
Chào anh Hoàn,

Theo Quyết định 02/2019/QĐ-BCT ngày 08/1/2019, tại điểm a, khoản 2 Điều 1 thì:.

“Các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. Bên bán điện thực hiện thanh toán lượng điện năng nhận từ lưới điện theo quy định hiện hành. Bên mua điện thực hiện thanh toán lượng điện năng từ dự án trên mái nhà phát lên lưới điện với giá mua bán điện quy định tại khoản 1 Điều này. Các bên có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về thuế và phí”.

Do đó, ngành điện sẽ thu tiền điện anh đã sử dụng 200kwh từ lưới điện theo biểu giá hiện hành; và trả tiền mua điện mặt trời với phần sản lượng thừa được ghi nhận theo công tơ 2 chiều phát lên lưới từ 300kwh được sản sinh từ hệ thống NLMT.

Cảm ơn Anh

 

DNTN Bách Chiến: 3 tháng trước
Doanh nghiệp chúng tôi xin gởi đến thắc mắc như sau: 1/- Lượng điện sử dụng bình quân 1.600 kwh/tháng, vậy chi phí lắp đặt điện mặt trời với công suất tối thiểu 1.600 kwh/tháng là bao nhiêu? (nhà có sân thượng diện tích 4x12m). 2/- Hệ thống có thiết bị tích điện không, nếu có thì sử dụng được trong bao lâu trong trường hợp thời tiết không có nắng, mưa nhiều ngày hoặc nếu lượng điện không đủ sử dụng thì có làm hư hại đến các thiết bị khác không? Trân trọng cảm ơn.
g Phạm Việt Anh – Hiệp hội Năng lượng Việt Nam:
Xin chào Quý doanh nghiệp.

1. Quý doanh nghiệp có thể ước tính công suất cần thiết của hệ thống theo cách sau: Công suất lắp đặt 1 kwp sản xuất khoảng 4-4,5 kwh/ngày, tương ứng 120 – 140 kwh/tháng. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng 1.600kwh/tháng có thể lắp đặt hệ thống khoảng 13kwp (1600 kwh/120kwh).

Quy doanh nghiệp nên liên hệ đơn vị cung cấp hệ thống năng lượng để tiến hành khảo sát cụ thể mặt bằng dự kiến lắp đặt để tính toán cụ thể hơn.

Nếu có điều kiện, doanh nghiệp có thể lắp đặt hệ thống có công suất lớn hơn. Phần điện dư có thể bán lại cho điện lực cũng rất hiệu quả.

2. Hiện có 3 mô hình hệ thống điện mặt trời. Thứ nhất là hệ thống độc lập có ắc quy. Thứ hai là hệ thống nối lưới, không cần ắc quy (lưới điện đóng vai trò thay thế ắc quy). Và thứ ba là hệ thống Hybrid vừa nối lưới vừa có ắc quy để phòng khi mất điện lưới.

Hiện nhà nước đã cho nối lưới, vì vậy doanh nghiệp nên nghiên cứu theo hướng này để giảm chi phí đầu tư ắc quy. Khoản này chiếm tỷ trọng khá lớn khi đầu tư ban đầu, và do tuổi thọ ngắn của ắc quy nên sẽ phải tốn tiền thay thế nhiều lần trong suốt vòng đời của tấm năng lượng.

Xin cám ơn Quý doanh nghiệp.

 

Trần Văn Phú: 3 tháng trước
Tôi có 3 câu hỏi 1. Sau khi tôi lắp xong hệ thống pin NLMT thì các bước tiếp theo cần làm gì để được phát lên lưới điện Quốc gia? 2. Theo thông tư 05 của Bộ Công thương, giá ngành điện mua lại điện mặt trời từ người dân trong năm 2019 là 2.134 đồng/kWh. Giá của các năm tiếp theo như thế nào? 3. Trong những năm tiếp theo nếu nhiều nhà máy điện mặt trời của các tập đoàn phát lên lưới khi đó Điện lực họ nói đủ điện không mua của dân nữa thì sao?
ng Nguyễn Văn Lý – Tổng công ty Điện lực Miền Nam:
Chào Anh Phú,

1. Anh liên hệ điện lực khu vực anh đang mua điện để được lắp công tơ 2 chiều và hướng dẫn thủ tục ký hợp đồng mua bán điện.

2. Tùy theo mức độ sử dụng của nhà anh, lượng điện thừa sẽ phát ra lưới và chúng tôi sẽ mua lại với giá được quy định hiện hành là 2.134đ/kwh theo tỷ giá hiện hành của ngân hàng nhà nước công bố hàng năm (9,35 cent USA – nếu ký hợp đồng mua điện trước 30/6/2019), thời hạn hợp đồng này kéo dài trong 20 năm; (Theo thông tư 05/2019/TT-BCT ngày 11/3/2019 có hiệu lực kể từ ngày 25/4/2019).

3. Việc mua điện dư phát lên lưới được thực hiện hoàn toàn tự động thông qua hệ thống công tơ đo đếm điện năng với khách hàng đã có hợp đồng và đấu nối lưới điện. Do đó, anh hoàn toàn yên tâm nếu đã đầu tư, ký hợp đồng và đấu nối vào lưới điện.

Cảm ơn Anh

 

Nguyễn Cao Trí An Giang: 3 tháng trước
Xin hỏi ngành điện 2 câu hỏi: 1. Việc lắp công tơ 2 chiều do hộ gia đình trả chi phí hay ngành điện trả? Và nếu hộ gia đình trả thì chi phí bao nhiêu? 2. Có văn bản nào cam kết giá mua điện LÂU DÀI của ngành điện hay không? Trong trường hợp sau này lượng điện mặt nhiều lên thì nhà nước giảm giá mua điện thì thiệt hại này tính làm sao? Trân trọng.
Ông Trần Viết Nguyên – Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi, tôi xin trả lời như sau:

Việc lắp đặt công tơ 2 chiều do Công ty Điện lực thực hiện và miễn phí.

Việc mua điện và ngừng không sử dụng điện của khách hàng hộ gia đình với ngành điện tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của khách hàng, không có bắt buộc nào khách hàng phải mua điện lâu dài của ngành điện.

Giá mua điện mặt trời theo cơ chế khuyến khích (9,35 US cents/kWh) là giá được áp dụng cho 20 năm, không thay đổi.

 

Nguyen Anh Tuan công ty in lụa Thuan Hưng Long An: 3 tháng trước
Chúng tôi là doanh nghiệp in lụa có sử dụng máy ép, sấy, in cho ngành may mặc với diện tích mái của nhà xưởng là 6.000 mét vuông. Xin hỏi: 1) Lắp đặt điện mặt trời có được không? 2) Toàn bộ chi phí lắp đặt chúng tôi có thể vay không, phần chi trả dần gốc lãi sẽ lấy từ tiền điện hàng tháng theo bảng kê đã có, cho đến khi xong nợ vay? 3) Bảo trì vận hành sẽ do bên lắp đặt chịu trách nhiệm? Xin cám ơn!
Ông Trịnh Quang Dũng – chuyên gia điện mặt trời:

Lưu Trường Khanh:

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM đã có bao nhiêu khách hàng lắp đặt điện mặt trời nối lưới, phát được bao nhiêu điện, ngành điện đã trả tiền cho bao nhiêu người, số tiền bao nhiêu, Tổng Công ty có đánh giá tính hiệu quả việc lắp đặt điện mặt trời: lợi cho khách hàng thế nào, lợi cho ngành điện ra sao?

     Ông Trần Khiêm Tuấn – Tổng công ty Điện lực TP.HCM:
Hiện nay đã có trên 1.500 khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn thành phố. Sản lượng điện phát lên lưới khoảng 4,2 triệu kWh. Ngành điện đang triển khai trả tiền lại cho khách hàng.

Khi khách hàng lắp đặt điện mặt trời sẽ giúp giảm chi phí tiền điện hàng tháng và ngành điện giảm đầu tư nguồn và bạn có thể có điện dự phòng khi không có điện lưới.

     

Đào Nguyễn Tuấn: 3 tháng trước

Xin cho hỏi ở Tiền Giang chỉ số bức xạ có cao không, tôi đầu tư điện áp mái sử dụng cho sinh hoạt bình thường (1 tủ lạnh, 2 điều hòa, 1 tivi) có hiệu quả không? Xin cảm ơn!
Ông Nguyễn Văn Công – Sở công thương Tiền Giang:
Tiền Giang hiện có 39 khách hàng sử dụng điện mặt trời áp mái, hơn 1.700kWp; như vậy ở tiền Giang sử dụng điện mặt trời có hiêu quả.

 

Phamdam598@gmail.com:: 3 tháng trước
Tôi là hộ gia đình ở Cao Lãnh, Đồng Tháp. Tôi muốn lắp đặt điện mặt trời thì được hỗ trợ tài chính gì không? Xin cám ơn.
Ông Nguyễn Văn Lý – Tổng công ty Điện lực Miền Nam:
Chào bạn,

Chúng tôi đã triển khai các quy định về khuyến khích phát triển NLMT Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017;Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017; QĐ 02/2019/QĐ-TTg ngày 08/01/2019; Thông tư 05/2019/TT-BCT ngày 11/3/2019 có hiệu lực kể từ ngày 25/4/2019 cho toàn bộ các tỉnh khu vực phía Nam, đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà, ngành điện sẽ kiểm tra hòa lưới, lắp điện kế 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời để thanh toán phần điện dư phát ngược lên lưới.

Việc sử dụng năng lượng mặt trời sẽ giúp giảm bớt sản lượng mua từ lưới điện, tùy theo mức độ sử dụng của nhà bạn, lượng điện thừa sẽ phát ra lưới và chúng tôi sẽ mua lại với giá được quy định hiện hành là 2.134đ/kwh (nếu ký hợp đồng mua điện trước 30/6/2019). Tùy theo nhà cung cấp, họ sẽ có các chính sách khuyến khích thông qua giảm giá và các chế độ hậu mãi.

Nhà nước khuyến khích phát triển đầu tư và sử dụng thông qua giá mua điện thừa; miễn phí tư vấn và lắp đặt công tơ 2 chiều.

Cảm ơn Bạn đã quan tâm

 

Huỳnh Trang: 3 tháng trước
Hỏi điện lực miền Nam: quy định thanh toán tiền điện cho khách hàng chuyển khoản hàng tháng là quy định chung toàn quốc hay chỉ ở thành thị, người dân ở nông thôn lắp đặt điện mặt trời nhưng không có tài khoản ngân hàng thì làm sao?
Ông Nguyễn Văn Lý – Tổng công ty Điện lực Miền Nam:
Chào bạn Trang,

Chính phủ khuyến khích phát triển NLMT thông qua Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017;Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017; QĐ 02/2019/QĐ-TTg ngày 08/01/2019; Thông tư 05/2019/TT-BCT ngày 11/3/2019 có hiệu lực kể từ ngày 25/4/2019, với trách nhiệm tại khu vực phía Nam, chúng tôi đã triển khai cho toàn bộ các tỉnh trong khu vực, đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà, ngành điện sẽ kiểm tra hòa lưới, lắp điện kế 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời để thanh toán phần điện dư phát ngược lên lưới.

Việc thanh toán theo hướng dẫn hiện hành là thực hiện hàng tháng cho tất cả các khách hàng không phân biệt thành thị hay nông thôn. Việc thanh toán qua tài khoản sẽ tạo thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử theo chủ trương chung. Nếu bạn chưa có tài khoản các ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ thực hiện.

Bạn có thể liên hệ trực tiếp điện lực nơi bạn mua điện để chúng tôi tư vấn trực tiếp các nội dung liên quan và giới thiệu ngân hàng phù hợp tại khu vực.

Cảm ơn Bạn

 

Ông Thái Huy Đức (phải) – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Minh Phương: 3 tháng trước
Theo tìm hiểu của tôi, điện mặt trời chỉ cung cấp điện vào ban ngày (khi có nắng), ban đêm vẫn phải sử dụng điện lưới bình thường. Vấn đề là đa số hộ gia đình xài điện chủ yếu về đêm. Xin hỏi có giải pháp nào có thể lưu điện để dùng ban đêm hay không. Chứ như vậy điện mặt trời là không hiệu quả. Cám ơn ông!
Ông Trịnh Quang Dũng – chuyên gia điện mặt trời:
Công nghệ điện mặt trời nối lưới đi đôi với chính sách phát triển điện mặt trời của nhà nước nên điện mặt trời đang phát huy hiêu quả toàn diện. Ban ngày dùng điện mặt trời nếu dư thừa bạn được bán vào lưới nhà nước và mua lại điện vào ban đêm với giá rẻ hơn. Vì vậy ở mọi khía cạnh, các hộ lắp điện mặt trời đều có lợi kể cả về sự tiện lợi trong sử dụng cũng như lợi nhuận trong việc bán điện cho EVN: Điện mặt trời là ích nước lợi nhà.

 

Lê Quang Minh: 3 tháng trước
Xin vui lòng cho biết, hiện nay đã có quy định nào về xử lý đối với những tấm pin hết hạn sử dụng? Nhà cung cấp có cam kết thu hồi để xử lý tránh gây ô nhiễm môi trường không?
Ông Lê Phương Bình – Sở công thương TP.HCM:
Hiện tại, trong Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam chưa có quy định về việc xử lý đối với những tấm pin hết hạn sử dụng.

Tôi xin ghi nhận nội dung này để có đóng góp ý kiến trong các dự thảo của các Bộ Ngành Trung ương để có giải pháp xử lý các tấm pin, tránh gây ô nhiễm môi trường.

 

Anh Duy: 3 tháng trước
Ngành điện mua điện mặt trời liệu có làm “bùng phát” số hộ lắp điện mặt trời không? Thói thường cái gì nhiều quá cũng không tốt, liệu Sở có tính đến chuyện này và có giải pháp quản lý không?
Ông Lê Phương Bình – Sở công thương TP.HCM:
Theo quy hoạch phát triển điện lực TP.HCM đã được Bộ Công Thương phê duyệt, TP.HCM khuyến khích phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà với mục tiêu đạt công suất 200MW vào năm 2025.

Riêng năm 2019, ngành điện thành phố khuyến khích khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất phấn đấu đạt 80MW. Công suất lắp đặt các hệ thống điện mặt trời chiếm 1 tỉ trọng rất nhỏ so với tổng công suất điện tiêu thụ của thành phố nên không ảnh hưởng nhiều đến lưới điện thành phố.

 

Nguyễn Thị Giang: 3 tháng trước
Xin cho biết ở Tiền Giang thì tôi có thể liên hệ các đơn vị nào để lắp đặt, nếu lắp đặt xong, có phát lên lưới, tôi có được thanh toán lại tiền như TP.HCM?
Ông Nguyễn Văn Công – Sở công thương Tiền Giang:
Hiện nay có nhiều đơn vị lắp đặt, tôi chưa nắm được cụ thể địa chỉ; nều muốn lắp đặt, phát điện lên lưới, chị liên hệ với Công ty Điên lực Tiền giang để thỏa thuận, gắn điện kế 2 chiều. Trước đây Điện lực Tiền Giang mới ghi nhận công suất phát lên lưới; hiện nay Tổng công ty Điện lực Miền Nam đã quy định thanh toán tiền như TP.HCM.

 

Lưu Hải: 3 tháng trước
Nếu nghi ngờ đồng hồ điện 2 chiều chạy không chính xác, tôi phải làm sao, quy trình kiểm tra xử lý như thế nào, ai là cấp thẩm quyền giải quyết?
Ông Lê Phương Bình – Sở công thương TP.HCM:
Cám ơn anh Hải, về câu hỏi này tôi có ý kiến trả lời như sau: theo quy định tại Điều 25 Luật Điện Lực, khi nghi ngờ thiết bị đo đếm điện hoạt động không chính xác bên mua điện có quyền yêu cầu điện lực kiểm tra. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên mua điện, bên bán điện phải kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế xong.

Trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế của bên bán điện, bên mua điện có quyền đề nghị Sở Công Thương tổ chức kiểm định độc lập. Trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định thiết bị đo đếm điện hoạt động theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam thì bên mua điện phải trả phí kiểm định.

Trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định thiết bị đo đếm điện hoạt động không đúng tiêu chuẩn Việt Nam thì Công ty Điện lực phải trả phí kiểm định. Trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định chỉ số đo đếm của thiết bị đo đếm điện vượt quá số lượng điện sử dụng thực tế thì bên bán điện phải hoàn trả khoản tiền thu thừa cho bên mua điện.

 

Nguyễn Khánh: 3 tháng trước
Diện tích tối thiểu để lắp là bao nhiêu mét vuông? Nhà tôi diện tích khoảng 18 mét vuông nhưng cao và không bị che bởi những nhà kế bên.
Ông Huỳnh Đình Hiệp – SPUC:
Trung bình, một kilowatt peak (kWp) lắp đặt cần 5 – 8m2, sản xuất ra khoảng 1.400kWh điện mỗi năm. Với diện tích nhà như trên, anh có thể lắp được khoảng 3kWp, tương đương 4.200kWh/năm.

Thông thường, hệ thống điện mặt trời thường được tính theo công suất lắp đặt, kilowatt peak (kWp). Trung bình một kWp cần khoảng 5 – 8 m2, với giá thành từ 18 – 25 triệu/kWp. Tuổi thọ trung bình của tấm pin năng lượng mặt trời là trên 25 năm.

Hiện tại có nhiều nhà sản xuất pin lớn trên thế giới như Jinko solar, JA solar, First solar, Canadian solar… với các dây chuyền sản xuất tại các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Để có thể tư vấn chi tiết hơn, vui lòng liên hệ dung@spuc.vn

 

Hồ Ngọc Chiến: 3 tháng trước
Nhà tôi có lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà, nhưng công suất nhỏ, luôn nhỏ hơn công suất sử dụng điện trong nhà. Và tôi không có nhu cầu bán điện lên lưới. Vậy khi tôi kết nối hệ thống điện mặt trời vào để cung cấp điện trong nhà thì tôi phải làm thủ tục gì với điện lực không? Nếu có thì làm những thủ tục nào? Rất mong được ông hướng dẫn giúp.
Ông Trần Khiêm Tuấn – Tổng công ty Điện lực TP.HCM:
Chào bạn. Trong trường hợp hệ thống điện mặt trời không nối lưới thì bạn không cần phải đăng ký thủ tục với ngành điện. Tuy nhiên, ngành điện khuyến cáo bạn nên đăng ký nối lưới để có thể bán điện lại khi không sử dụng trong nhà.

 

 

Add your comment